Hiện nay, xe đạp Nhật bãi là lựa chọn của rất nhiều người bởi chất lượng đảm bảo, giá cả phải chăng, lựa chọn phong phú và ít mất giá. Điểm trừ của việc mua xe Nhật bãi là các bác phải có chút kiến thức và biết cách kiểm tra xe.
Thực chất việc chọn mua một chiếc xe đạp Nhật bãi chất lượng không hề khó. Với những cách sau đây các bác có thể lựa cho mình một chiếc xe ưng ý qua mua của người quen, bạn bè giới thiệu, hay ngồi tại chọn xe trên các đơn vị kinh doanh xe đạp bãi Nhật trực tuyến.

Bài viết này sẽ gợi ý những kinh nghiệm cơ bản để các bác tránh phạm phải những sai lầm đáng tiếc khi mua xe đạp Nhật bãi. Kinh nghiệm này một phần Lướt Bike đã tham khảo của những “dân chơi” xe đạp lâu năm và một phần từ những đơn vị kinh doanh xe đạp hàng chục năm tại thị trường Việt Nam. Phải nhấn mạnh lại rằng những điều bên em sắp chia sẻ dưới đây dành cho các bác mới tìm hiểu để có thêm kinh nghiệm để lựa xe, chứ không giúp các bác trở thành những người sành sỏi được nhé.
NHỮNG CHI TIẾT NÀO KHÔNG THỂ BỎ QUA?
Nguồn gốc xuất xứ
Xe đạp Nhật bãi, hay còn gọi xe đạp nội địa Nhật cũ, là những chiếc xe đạp đã qua sử dụng tại thị trường Nhật Bản. Hiện xe đạp bãi Nhật được các kho xe tại Nhật phân phối tới hơn 60 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là châu Á và châu Phi.
Để xác minh nguồn gốc một chiếc xe Nhật bãi, trên khung xe thường xuất hiện 4 loại tem:
– Tem biển số xe của cảnh sát Nhật Bản
– Tem chứng nhận BAA (Bicycle Association Approved) của Hiệp hội Xe đạp Nhật Bản (có 2 loại)
– Tem của chuỗi cửa hàng đã bán chiếc xe bên Nhật

Trừ tem biển số xe của cảnh sát Nhật, nếu có thiếu mất tem nào trong các tem trên thì bạn cũng đừng quá lo lắng. Các tem đó có thể không xuất hiện vì nhiều lý do như bong tróc trong quá trình sử dụng bên Nhật hoặc trong quá trình vận chuyển về Việt Nam.
Bạn hãy kiểm tra kĩ tem trên xe để nắm được phần nào về nguồn gốc xuất xứ chiếc xe nhé.
Cơ sở kinh doanh xe Nhật bãi
Thị trường xe đạp bãi Nhật khá rộng lớn nhưng cũng muôn hình vạn trạng do thiếu tiêu chuẩn chuyên nghiệp chung cho các đơn vị kinh doanh. Vậy nên khi mua xe, kể cả mua trực tiếp hay qua mạng internet, các bác cũng nên chọn các cơ sở kinh doanh có thương hiệu và uy tín.
Một cơ sở kinh doanh được đầu tư thương hiệu, sở hữu website riêng, trang fanpage hoạt động tích cực sẽ đáng tin cậy hơn những nơi ít thông tin chính thống trên mạng. Ngoài ra, hãy chọn những đơn vị hoặc người bán hàng có am hiểu sâu sắc về xe đạp Nhật bãi. Điều đó cũng sẽ giúp các bác lựa chọn được chiếc xe ưng ý nhất với nhu cầu, kỳ vọng và túi tiền của mình.
Độ mới sơn xe
Nước sơn là yếu tố quan trọng định giá chiếc xe đạp Nhật bãi. Những chiếc xe độ mới sơn cao sẽ có giá hơn những chiếc xe có sơn xước sát, bong tróc. Tuy nhiên vì là xe Nhật bãi, đã trải qua quá trình vận chuyển rất dài từ Nhật về việt Nam nên nước sơn khó có thể hoàn hảo như xe mới được.
Tính thẩm mỹ khá quan trọng đối với một chiếc xe đạp, nhưng cũng chỉ là một phần. Quan trọng nhất luôn là độ ổn định và mượt mà khi chiếc xe vận hành. Vậy nên một chiếc xe có độ mới sơn từ 80% trở lên là khá hợp lý. Còn bác nào yêu cầu tính thẩm mỹ cao có thể chi trả thêm để săn những chiếc có độ mới sơn cao hơn.
Thương hiệu
Thương hiệu cũng là yếu tố quan trọng quyết định giá trị một chiếc xe đạp Nhật bãi. Xe đạp bãi Nhật thường có khoảng hơn 100 thương hiệu chủ yếu đến từ các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Canada và Đài Loan – Trung Quốc.
Thường thì cùng cấu hình, cùng độ mới, những chiếc xe hiệu Âu, Mỹ, Canada, Nhật sẽ có giá hơn hiệu Đài Loan – Trung Quốc. Mặc dù 95% xe đạp trên thế giới được sản xuất tại Đài Loan – Trung Quốc, song các hãng Âu Mỹ và Nhật Bản vẫn có ưu thế hơn về mặt thiết kế và thương hiệu. Một chiếc xe mà ra đường ai cũng có thể chỉ mặt gọi tên thì chắc chắn phải có giá trị hơn rồi đúng không nào?
Ngoài ra, một số thương hiệu xe đặc biệt được săn đón tại Việt Nam cũng sẽ có giá cao hơn các thương hiệu khác, ví dụ như Bianchi thấm nhuần phong cách Ý, Peugeot hoài cổ xe Pháp, Pinarello đẳng cấp những tay đua,…
Hãy tìm hiểu một chút về thương hiệu xe đạp mà các bác định mua để hiểu rõ nguồn gốc và câu chuyện về thương hiệu đó nhé!
Xem thêm: Top 10 thương hiệu xe đạp nổi tiếng nhất thế giới – Cập nhật 2021
Chất liệu khung
Khung là thành phần quan trọng ảnh hưởng đến định giá một chiếc xe đạp nội địa Nhật. Có 4 loại vật liệu chính để chế tạo khung xe đạp: thép, nhôm, sợi carbon và titan. Đó cũng là thứ tự tăng dần về giá thành và chất lượng của khung xe.
Ở phân khúc bình dân – trung cấp, đa phần khung xe đạp Nhật bãi được làm bằng thép, nhôm hoặc sợi carbon. Thường thì giá những chiếc xe có khung carbon > khung nhôm > khung thép. Thỉnh thoảng các bác sẽ gặp những chiếc xe có khung nhôm, phuộc (càng) carbon sẽ có giá hơn xe khung nhôm, phuộc nhôm.
Hãy kiểm tra kĩ chất liệu của khung để hiểu thêm về định giá chiếc xe nhé!
Bộ truyền động
Sau khung, bộ truyền động (hay bộ chuyển động) cũng là yếu tố ảnh hưởng tới định giá một chiếc xe đạp bãi Nhật. Có 03 nhà sản xuất bộ truyền động đang thống trị thị trường xe đạp toàn cầu là Shimano, SRAM và Campagnolo. Ở phân khúc bình dân – trung cấp, xe đạp nội địa Nhật chủ yếu dùng Shimano và SRAM.
Bộ truyền động xe đạp có 8 phần, nhưng với xe Nhật bãi thì nên chú ý nhất đến các bộ phận sau: củ đề sau (gạt líp), củ đề trước (gạt đĩa), đĩa, líp và tay đề. Các bác có thể “soi” tên của các bộ phận này để xác định chất lượng chiếc xe nhé.
Ngoài ra, mỗi món phụ tùng này đều có các cấp độ cao thấp (hình trên). Cấp độ càng cao thì chất lượng càng tốt và giá càng cao.
Ví dụ: một chiếc xe Nhật bãi có củ đề sau là Shimano Alivio thì sẽ có giá trị hơn chiếc khác cùng hãng, cùng mẫu mã, cùng độ mới và có củ đề sau là Shimano Altus. Các hãng cũng có nhiều lựa chọn về bộ truyền động cho cùng 1 mẫu xe nên các bác đừng ngạc nhiên khi thấy 2 chiếc xe giống y hệt nhau, chỉ khác mỗi củ đề sau nhé!
“Soi” kĩ bộ truyền động cũng giúp các bác định giá chiếc xe tốt hơn nhiều đó!
Một số phụ tùng quan trọng
Một số phụ tùng khác cũng nên được để ý để đảm bảo chiếc xe đạp Nhật bãi đảm bảo chất lượng tốt.
Đầu tiên là phanh. Do hiệu năng tốt hơn và không làm mòn vành bánh xe, nên những chiếc xe phanh đĩa thường có giá nhỉnh hơn xe phanh vành (phanh niềng). Các bác cũng cần kiểm tra kĩ tay phanh, bóp nhả phải mượt mà, độ nảy cao để hoạt động chính xác nhất. Thông thường, các bác sẽ hay bắt gặp bộ phanh của những chiếc xe đạp nội địa Nhật được sản xuất bởi các hãng Tektro, Shimano hoặc SRAM.
Tiếp theo là dây cáp đề, dây cáp phanh. Nên kiểm tra kĩ để đảm bảo dây cáp đề, dây cáp phanh còn mới, không bị đứt gãy hay rỉ sét. Bởi nếu các dây này quá cũ sẽ khiến đề và phanh xe hoạt động thiếu chính xác.
Một số chiếc xe đời mới có dây cáp đề và cáp phanh ẩn vào trong khung xe (còn gọi là dây âm sườn) giúp chiếc xe gọn gàng và thẩm mĩ hơn. Chỉ một số dòng xe đời mới có thiết kế dây âm sườn, đây cũng là một dấu hiệu để định giá một chiếc xe đạp Nhật bãi.
NHỮNG CHI TIẾT NÀO CÓ THỂ LÀM NGƠ?
Tem “Made in” trên khung xe
Một số xe đạp Nhật bãi các bác có thể bắt gặp tem “Made in China” hoặc “Made in Taiwan” thì đừng lo lắng quá. Hiện nay 95% xe đạp trên toàn thế giới đều sản xuất tại các nhà máy đặt ở Trung quốc và Đài Loan, còn Nhật Bản đã ngừng sản xuất xe đạp cơ học từ những năm 1990. Quan trọng nhất là chiếc xe đó do hãng nào đặt hàng và được xuất khẩu tới thị trường nào, còn việc chúng sản xuất tại nhà máy ở quốc gia nào không quá quan trọng.
Ví dụ như nhiều mẫu xe được hãng Trek (thương hiệu lớn nhất thế giới) được đặt hàng sản xuất tại các nhà máy ở Đài Loan – Trung Quốc, thì sản phẩm đầu ra phải đảm bảo chính xác các thông số kỹ thuật và vận hành mà hãng Trek yêu cầu. Sau đó, để được phép xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, mẫu xe đó phải vượt qua hàng loạt các tiêu chuẩn khắt khe của Cục Quản lý Chất lượng Hàng hóa Nhật. Vậy nên, chỉ cần chiếc xe đó đã được sử dụng tại Nhật, chiếc tem “Made in …” không có nhiều giá trị tham khảo nhé các bác.
Xem thêm: Nguồn gốc của những chiếc xe đạp – Sự thật cần được chấp nhận
Ngoài ra, một số dòng xe các bác cũng thấy tem “Designed in Italy” hoặc “Designed in USA”, có nghĩa là mẫu xe đó được thiết kế và chế tạo khuôn mẫu ở Ý hoặc Mỹ. Sau đó các khuôn mẫu này cũng sẽ được sử dụng để hưỡng dẫn sản xuất hàng loạt tại các quốc gia châu Á như Đài Loan – Trung Quốc.
Phụ tùng tiêu hao
Một số bộ phận của xe đạp là phụ tùng tiêu hao như xích và săm lốp, đã bị hao mòn trong quá trình sử dụng của người chủ bên Nhật. Với xe ở phân khúc bình dân – trung cấp, các bác có thể không cần quá chú trọng vào các bộ phận này.
Xích sau khi đi khoảng 3000 – 5000 km sẽ bị giãn, mòn và cần phải thay thế. Còn những chiếc săm lốp nếu quá mòn hay có hiện tượng nứt thì cần phải thay thế. Nhưng nếu các phụ tùng này còn mới, chỉ hao mòn một chút thì không cần phải thay, bởi phụ tùng nguyên bản của hãng vẫn là tốt nhất và còn sử dụng được một thời gian dài nhé các bác.
Xích và săm lốp xe đạp Nhật thường có tiêu chuẩn chung, nên chúng khá dễ dàng mua và thay thế tại Việt Nam. Khi cần thay, hãy yêu cầu sự tư vấn từ người bán để họ kiếm những phụ tùng chất lượng tốt cho chiếc xe đạp Nhật bãi của bác nhé.
Trên đây là một số kinh nghiệm khi mua xe đạp bãi Nhật. Trong các bài viết sau Lướt Bike sẽ cùng các bác tìm hiểu kĩ hơn về một số thành tin quan trọng quay quanh những chiếc xe nội địa Nhật này.
Hy vọng rằng những kinh nghiệm này bước đầu sẽ giúp các bác có cái nhìn sáng tỏ hơn khi mua xe. Chúc các bác săn được “em xế” ưng ý. Với các bác quan tâm tới xe đạp Nhật bãi Hà Nội và trên toàn quốc, các bác đừng quên ghé thăm website hoặc fanpage của Lướt Bike nhé!